Tăng sản nội mạc tử cung là một bệnh lý sản phụ khoa thường gặp ở phụ nữ, đặc biệt ở lứa tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh. Bệnh có thể lành tính nhưng vẫn có một con số không nhỏ bệnh tăng sản nội mạc tử cung tiến triển thành ung thư. Tăng sản nội mạc tử cung cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nữ giới. Vậy tăng sản nội mạc tử cung là gì và điều trị bằng cách nào?

1. Tăng sản nội mạc tử cung là gì?

Nội mạc tử cung là một lớp cấu trúc của tử cung. Từ ngoài vào trong, tử cung có ba lớp là: lớp phúc mạc, lớp cơ và lớp nội mạc tử cung. Nội mạc tử cung là một biểu mô tuyến gồm hai lớp: lớp đáy mỏng ít thay đổi theo chu kỳ kinh nguyệt, lớp nông thay đổi theo chu kỳ kinh nguyệt và tróc ra khi hành kinh.

Tăng sản nội mạc tử cung (hay còn gọi là quá sản nội mạc tử cung) là sự tăng sinh của các tuyến với kích thước và hình dạng không đều đặn, kèm theo tỉ lệ tuyến/mô đệm tăng. Một cách dễ hiểu hơn, tăng sản nội mạc tử cung là tình trạng lớp nội mạc tử cung hay lớp niêm mạc tử cung tăng sản xuất các tế bào dẫn đến dư thừa, khiến lớp nội mạc trở nên quá dày.

Tăng sản nội mạc tử cung là gì ?
Tăng sản nội mạc tử cung là gì ?

2. Cơ chế gây quá sản nội mạc tử cung là gì?

Bình thường, lớp nội mạc tử cung có khả năng thay đổi trong chu kỳ kinh nguyệt theo sự thay đổi của hormone. Ở đầu chu kỳ, hormone estrogen (buồng trứng tiết ra) giúp lớp nội mạc phát triển và dày lên. Tiếp theo đến giữa chu kỳ, trứng được giải phóng từ buồng trứng gây ra hiện tượng rụng trứng, lúc này lượng hormone progesterone bắt đầu phát triển, chuẩn bị cho lớp nội mạc tử cung nhận và nuôi dưỡng trứng thụ tinh. Nếu trứng không được thụ tinh, nồng độ estrogen và progesterone sẽ giảm dần. Khi lượng hormone progesterone bắt đầu giảm sẽ tạo ra hiện tượng hành kinh hay còn gọi là bong tróc lớp niêm mạc.

Như vậy, quá sản nội mạc tử cung xảy ra do lượng estrogen tăng quá mức nhưng lại thiếu progesterone. Hormon progesterone không được tạo ra khiến lớp nội mạc tử cung không bị tróc mà tiếp tục tăng lên theo đáp ứng với estrogen. Các tế bào của lớp nội mạc có thể tích tụ với nhau và trở nên bất thường. Bệnh quá sản nội mạc tử cung lành tính hoặc có thể tiến triển thành ung thư.

3. Triệu chứng của bệnh tăng sản nội mạc tử cung là gì?

–  Chảy máu khi hành kinh nhiều hơn hoặc kéo dài hơn bình thường;

–  Chu kỳ kinh nguyệt ngắn hơn 21 ngày.

–  Chảy máu sau khi đã mãn kinh.

–  Phân loại tăng sản nội mạc tử cung

Tổ chức Y tế thế giới chia tăng sản nội mạc tử cung thành 4 loại lớn, trong đó:

Tăng sản điển hình (không có tế bào không điển hình nghĩa là không có tế bào có nhân dị dạng hay phân chia bất thường) có 2 loại: Tăng sản đơn giản; Tăng sản phức tạp (thay đổi cấu trúc)

Tăng sản không điển hình (có tế bào không điển hình) có 2 loại: Tăng sản đơn giản không điển hình; Tăng sản phức tạp không điển hình (với cấu trúc và tế bào học không điển hình)

Nguy cơ tăng sản nội mạc tử cung chuyển thành ung thư nội mạc tử cung:

–  Tăng sản đơn giản: 1%

–  Tăng sản phức tạp: 3%

–  Tăng sản đơn giản không điển hình: 8%

–  Tăng sản phức tạp không điển hình: 30%

4. Chẩn đoán tăng sản nội mạc tử cung

Trên thực tế có rất nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng chảy máu bất thường ở tử cung. Trường hợp chảy máu bất thường ở phụ nữ trên 35 tuổi hoặc phụ nữ dưới 35 tuổi chảy máu không khỏi khi điều trị bằng thuốc, lúc này bác sĩ có thể cho bạn thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán tăng sản nội mạc tử cung và ung thư bao gồm:

–  Siêu âm tử cung qua ngã âm đạo để đo độ dày lớp nội mạc tử cung.

–  Nạo sinh thiết nội mạc tử cung để lấy mô từ nội mạc và quan sát dưới kính hiển vi, phát hiện ung thư nội mạc tử cung (nếu có).

5. Điều trị tăng sản nội mạc tử cung

Các lựa chọn điều trị tăng sản nội mạc tử cung sẽ khác nhau tùy theo độ tuổi và loại tăng sinh bạn đang mắc.

Trong nhiều trường hợp tăng sản điển hình, bệnh nhân được điều trị nội khoa bằng progestin. Progestin có thể sử dụng bằng đường uống, đường tiêm bắp, đặt dụng cụ tử cung hoặc bôi kem âm đạo. Riêng đối với người ở tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh có tăng sản phức tạp (loại điển hình) thì có thể cân nhắc chỉ định cắt tử cung. Khi điều trị bằng progestin có thể gây ra hiện tượng chảy máu âm đạo giống như một chu kỳ kinh nguyệt.

Nếu bệnh nhân mắc tăng sản nội mạc tử cung không điển hình, đặc biệt là tăng sản không điển hình phức tạp, nguy cơ ung thư sẽ tăng cao (30%). Nếu bệnh nhân đã có đủ con, không muốn có thêm con nữa, bác sĩ sẽ cắt bỏ tử cung vì đây phương án điều trị tốt nhất. Nhưng nếu người phụ nữ còn trẻ, chưa có con hoặc còn muốn sinh thêm con, lúc này sẽ cố gắng điều trị bằng thuốc, nếu tình trạng không cải thiện sẽ cắt tử cung. Khi tăng sản nội mạc tử cung có quá nhiều nguy cơ và việc phải cắt bỏ tử cung trở thành lựa chọn sống còn. Lúc này, bệnh nhân nên cân nhắc lựa chọn bác sĩ rất có kinh nghiệm vì nếu có tai biến sẽ rất nặng nề.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *