Bệnh viêm thanh quản là gì?
Viêm thanh quản là tình trạng viêm nhiễm xảy ra ở thanh quản khi bị kích thích, viêm hoặc nhiễm trùng, có thể khu trú ở niêm mạc hoặc lan xuống những lớp dưới, đi từ sung huyết, phù nề, loét niêm mạc đến viêm cơ, họai tử sụn…. Bệnh có thể làm giọng nói bị thay đổi, âm thanh khàn hoặc nặng hơn là bị mất tiếng.
Bệnh có thể kéo dài trong vài ngày hoặc lâu hơn và trở thành mạn tính. Gây ra rất nhiều trở ngại và khó khăn trong cuộc sống hằng ngày.
Triệu chứng của bệnh viêm thanh quản
Viêm thanh quản được chia thành hai loại: cấp tính và mạn tính.
Viêm thanh quản cấp tính:
Khi bị viêm thanh quản giai đoạn đầu người bệnh hơi sốt, tay chân mệt mỏi và có cảm giác ớn lạnh. Tiếp theo sau đó là hàng loạt các triệu chứng ho khan, lõm thượng đòn và ức, không có đờm hoặc chỉ là đờm trắng, chảy nước mũi. Tuy nhiên, nếu tình trạng viêm, nhiễm trùng lây lan sang khí quản và phế quản, lúc này đờm sẽ xuất hiện nhiều có màu vàng hoặc xanh.
Viêm thanh quản mạn tính:
Giai đoạn này cũng xuất hiện những dấu hiệu giống với giai đoạn cấp tính. Nhưng những triệu chứng này xuất hiện thường xuyên hơn. Người bệnh sẽ cảm thấy phần họng đau rát, các cơ xung quanh nặng nề, kèm theo các cơn ho về đêm. Người bệnh bị mất tiếng hoàn toàn.
Nguyên nhân của bệnh viêm thanh quản
Ở những người hay sử dụng giọng nói như giáo viên, ca sĩ, dẫn chương trình, diễn giả… Thanh quản hoạt động nhiều, liên tục, dễ bị tổn thương và mắc bệnh hơn, nên hay còn gọi là bệnh nghề nghiệp.
Đối với những người hay la hét, tiếp xúc với môi trường độc hại, uống rượu, bia, ăn nhiều đồ cay nóng làm dây thanh quản bị tổn thương dễ bị vi khuẩn xâm nhập.
Một trong những yếu tố nguy cơ chính gây bệnh là thay đổi thời tiết, đặc biệt là trời lạnh, virut cảm cúm, vi khuẩn dễ tấn công và phát triển.
Bệnh thường thấy ở những người có thể trạng kém, hay mắc những bệnh có liên quan đến đường hô hấp như: viêm phế quản, viêm xoang, khối u,…
Bệnh xuất hiện ở mọi lứa tuổi, nhưng với những đối tượng như trẻ nhỏ hay người sử dụng giọng nói nhiều dễ bị bệnh hơn. Một số dạng viêm thanh quản ở trẻ em có thể dẫn đến tắc nghẽn đường hô hấp nguy hiểm và có thể dẫn đến tử vong, bao gồm: bệnh Croup và viêm thanh thiệt cấp ở trẻ em.
Cách điều trị bệnh viêm thanh quản
- Viêm thanh quản nặng (có khó thở): đặc biệt là ở trẻ em, cần đến ngay trung tâm y tế gần nhất để được điều trị kịp thời, tránh diễn tiến nặng và các biến chứng của bệnh.
- Viêm thanh quản nhẹ (không có khó thở)
− Quan trọng nhất là kiêng nói, tránh lạnh, nghỉ ngơi.
− Nội khoa: thuốc kháng sinh, giảm viêm, kháng histamin, tiêu đờm, giảm ho…
− Điều trị tại chỗ bằng xông các thuốc giảm viêm nhóm corticoid, men tiêu viêm, tinh dầu…
− Nâng cao sức đề kháng, bổ sung dinh dưỡng, điện giải.
− Chú ý giữ ấm vùng cổ, không uống nước đá, không nằm phòng lạnh.
– Chú ý nếu sau 3 tuần không giảm thì nhất thiết phải đến khám bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để nội soi thanh quản tìm nguyên nhân.
Cách phòng bệnh viêm thanh quản
Nên thay đổi lối sống, không hút thuốc lá, tránh xa rượu bia. Khi thời tiết lạnh, nên giữ ấm cơ thể và vùng cổ họng.
Tránh la hét, nói to và nhiều, kiêng ăn những đồ ăn nóng, chua, cay vì dễ làm tổn thương thanh quản.
Nên uống nhiều nước, sử dụng khẩu trang hay đồ bảo hộ khi đang làm việc trong môi trường ô nhiễm.
Nếu có bị các bệnh về đường hô hấp thì nên điều trị dứt điểm.
Viêm thanh quản là bệnh phổ biến, dễ mắc, và có những triệu chứng gây khó chịu đến cuộc sống. Khi thấy khàn tiếng, mất tiếng, ho, có cảm giác đau, rát khi nói hay nuốt, kèm theo đó là sốt, hay có đờm trắng, vàng. Bạn nên đến ngay bác sĩ để điều trị kịp thời, dứt điểm tránh bệnh trở nên mạn tính kéo dài hay có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.